Pháo hoa đêm huyền diệu
Tại sao lại phải đi xem pháo hoa đêm Giao Thừa, dù nó chẳng còn gì mới lạ và bất ngờ nữa?
Tôi xem pháo hoa lần đầu vào năm 2000, tôi vừa được bảy tuổi và Sài Gòn lần đầu tiên có chương trình bắn pháo hoa mừng năm mới. Cảm giác lúc ấy nó choáng ngợp lắm. Trên bầu trời đen thẳm bỗng xuất hiện những đốm lửa đầy màu sắc, tiếng nổ thì vang dội tứ phía khiến tôi cứ mãi loay hoay chẳng hiểu vì sao “hình” ở trước mặt mà “tiếng” lại ở… sau lưng. Tôi cũng xem pháo hoa vào thời điểm đường hoa Nguyễn Huệ mới xuất hiện vào năm 2004 nơi ánh sáng bên dưới cạnh tranh với ánh sáng bên trên. Cũng có năm tôi chỉ đứng ở đầu ngõ nhà mình, nhón chân lên để nhìn thấy chút ánh sáng lập lòe bên cạnh tòa nhà Prudential 33 tầng cao nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Tuyệt nhất có lẽ là lúc đứng ngắm ngay trước cửa Nhà thờ Đức Bà, mà khi đến Giao Thừa Tết Nguyên Đán tôi sẽ nói lý do vì sao.
16 năm cũng đủ ngót nghét trên dưới 30 lần ngắm pháo hoa, tại sao tôi vẫn còn hào hứng đi đến vậy, trong khi bạn bè tôi đa phần chỉ muốn ngồi nhà cho khỏe vì “có gì vui đâu, đông đúc khói bụi mệt chứ được gì”?
Cái quan trọng không phải là pháo hoa biểu diễn bao nhiêu phút, có đẹp, có lạ hay không. Đúng 0 giờ, pháo hoa sẽ xuất hiện, như vậy ta sẽ có cái để mong, để đợi, để hy vọng. Đổ mồ hôi tìm chỗ gửi xe rồi lăn xả vào giữa biển người, tìm cho mình một vị trí tốt, để rồi trong cái khoảng thời gian ngồi chờ đến khoảnh khắc kỳ diệu đó, ta chợt cảm thấy thời gian đang trôi chậm lại, để ta có thể tranh thủ thêm một chút để kịp nghĩ về những gì đã xảy ra trong năm sắp-qua, những niềm vui, nỗi buồn, những điều đã hay chưa làm được,… Hay dịu dàng hơn, tranh thủ nhắn gửi những lời yêu thương cho bạn bè, người thân. Giao thừa của Tết Dương Lịch không cần phải hối hả bên bàn cúng ông bà, cũng không cần chú trọng lễ nghi khí tiết, vì vậy, người đi xem pháo hoa sẽ thực sự được tự do trong vài tiếng cuối cùng của năm đó. Chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi, với một tâm trạng thật nôn nao và dường như cũng bị lây sự háo hức từ mọi người xung quanh.
Và rồi thời gian bỗng trôi nhanh hơn, dồn dập hơn khi chỉ còn vài phút nữa. Mọi người đã ngồi chờ từ mấy tiếng trước bỗng đứng dậy hết cả, sự háo hức tăng dần theo mỗi giây. Mọi hoạt động đều ngưng trệ trong một tích tắc khi viên pháo đầu tiên tỏa sáng. Mọi ánh mắt đều hướng về chùm lửa rực rỡ trên bầu trời đen. Thỉnh thoảng tất cả đồng thanh ồ lên và vỗ tay tán thưởng những quả pháo được nổ liên tục tạo thành những bức tranh ánh sáng tuyệt đẹp. Và trong cái bầu không khí tĩnh lặng chỉ có tiếng pháo và màu sắc đó, bất chợt trên môi nở nụ cười khi nghĩ về những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Ánh sáng pháo hoa là ánh sáng hạnh phúc.
Màn trình diễn kết thúc, ai nấy nhanh chóng tỏa ra mọi ngóc ngách, mọi nẻo đường để tìm lối “thoát thân”. Riêng tôi, về sớm cũng được, về muộn cũng được. Điều tôi thích nhất là sau khi xem pháo hoa xong, thời gian là của chính mình, sẽ không phải hối hả về nhà ngủ để mai dậy đi làm, cũng không phải chen chúc vào những cung đường chật chội khét tiếng. Ung dung đến bãi lấy xe, tôi chọn con đường vòng để về nhà, vừa tránh kẹt xe, vừa tranh thủ tận hưởng cơn gió mát đầu tiên của năm mới…
Vậy đó, đi ngắm pháo hoa, không phải vì nó đẹp hay nó lạ (không kể đến pháo hoa ở nước ngoài). Ngắm pháo hoa, là để trong lúc chờ đợi nó diễn ra, trong lúc nó đang diễn ra và kể cả lúc nó đã diễn ra, ta đều có những điều để mong đợi và hy vọng.
Hạnh phúc là có ai đó để yêu , việc gì đó để làm và điều gì đó để hy vọng.
Trong đêm Giao Thừa, khoảnh khắc pháo hoa xuất hiện mang đến cho ta một trong ba điều làm nên hạnh phúc của con người – hy vọng. Như vậy, đông đúc, mệt mỏi và chen lấn, chẳng phải là cái giá quá hời để đổi lấy một đêm “huyền diệu” như thế sao?