Hà nội bảy độ (rưỡi)
Bảy độ (rưỡi), không phải là nhiệt độ. Đó là số đi ốp trên cặp kính của tôi. Tháo kính ra thì ở đâu cũng chỉ là những đốm sáng muôn màu sắc của một thế giới khác, nên chỉ có nhìn đời qua cặp kính này tôi mới biết được mình đang ở đâu…
Hà Nội chuyển mùa và đón nhận đợt không khí lạnh đầu tiên của mùa đông. Lạnh, nhưng thích. Đối với một đứa quanh năm ở xứ nóng Sài Gòn như tôi mà nói, cảm giác đứng giữa một đô thị nhộn nhịp hối hả hoạt động trong cái không khí lạnh của Đà Lạt, rất choáng ngợp.
Đáp chuyến bay đến thủ đô vào một chiều mù sương và lất phất mưa, không khí vẫn còn ở mức mát mẻ nên tôi cảm thấy khá dễ chịu. Trước khi đi tôi bị một chị bạn dọa rằng “sau cơn mưa nó sẽ sụt xuống còn mười ba độ, tha hồ lạnh”, làm tôi thật háo hức ngóng chờ lắm.
Ngang tàng, tôi cùng bạn ra phố kiếm lương thực cứu đói – lại nói thêm về chuyến bay, vì sợ trễ giờ nên chúng tôi đa phần nhịn ăn sáng, thậm chí đã gọi thức ăn trên máy bay nhưng cũng chỉ đủ để cầm hơi, thế nên đặt chân lên đất Hà Nội lúc 4h chiều đã khiến chúng tôi “đói đến hoa mắt”. Món ăn đầu tiên của Hà Nội mà tôi ăn, không phải phở gà trứ danh, cũng không phải bún chả nổi tiếng, mà lại là… một que xúc xích hiệu CP! Quầy hàng của bà cụ nhỏ gọn mọc lên ngay trước cửa một xí nghiệp, bán những món ăn vặt đơn giản như bánh chuối chiên, khoai lang chiên vốn đầy rẫy ở Sài Gòn, nhưng bánh ngô chiên thì lại khá lạ miệng – nghe hơi lệch quẻ, tôi sẽ gọi tên món ăn như đúng cách mà người địa phương gọi, bánh ngô rán. Bánh ngô rán thực chất là ngô ngọt (bắp mỹ) tách hạt hòa với bột lỏng rồi chiên lên giống như bánh khoai lang. Có một điều thú vị là ở Hà Nội rất chuộng sử dụng ngô ngọt và xúc xích. Bạn có thể tìm thấy xúc xích này khắp nơi trong thành phố, xe bánh mì, hàng bánh giò, hay đơn cử như hàng ăn vặt này đây, cũng có xúc xích. Có lẽ ở đây, người ta coi xúc xích giống như một loại giò chả, có thể ăn không hoặc dùng kèm món ăn chính rất linh động. Còn ngô ngọt cũng được dùng trong nhiều món, như món chè ngô ngọt mà ban đầu tôi tưởng nó là món chè bắp trong nam, gọi ra mới thấy khác: ngô giữ nguyên hạt nấu thay vì bào mỏng như món chè bắp. Thậm chí, người ta còn cho ngô vào làm nhân của món bánh mì nem khoai!
====
Ngày cuối.
Hôm nay là ngày cuối cùng ở Hà Nội, cũng là cơ hội cuối cùng để tôi có thể khám phá thêm được một chút của thành phố này. Thế nên tôi đã rất hăng hái kêu gọi mấy đứa bạn dậy và gấp rút chuẩn bị đi chơi cho hết. Kế hoạch là Văn Miếu, chùa Trấn Quốc, đền Ngọc Sơn và Bát Tràng, cuối cùng là mua sắm quà cáp mang về Sài Gòn và đóng gói hành lý ra sân bay. Đã cố lắm, thế mà vẫn không theo được kế hoạch. Chuyến đi Hà Nội khép lại khi tôi vẫn chưa được bước vào cả chùa và cả đền. Nhưng tôi cũng không tiếc lắm, bởi như thế có nghĩa là tôi vẫn chưa thực sự “biết” Hà Nội, và hẳn sẽ có ngày tôi quay trở lại để tiếp tục chuyến khám phá đó.
Tôi được tham quan Văn Miếu cổ kính với đền thờ Khổng Tử bên trong; rồi làng gốm Bát Tràng huyền thoại mà tôi cứ được đọc trong sách. Quả thực, làng gốm hơi khác so với những gì tôi tưởng tượng – cái hình ảnh tưởng tượng của trẻ con thành thị, với con đường đất rạp bóng cây ranh, những mái nhà tranh hay lợp ngói đỏ, ống khói nghi ngút của lò nung đất sét và những vò, chum, vại chất ra liệt trước cổng mỗi ngôi nhà… Làng cổ Bát Tràng, theo thời đại, cũng được hiện đại hóa theo. Dàn mặt tiền là những ngồi nhà lầu với cửa kính đẹp đẽ, bày bán rất nhiều đồ gốm sứ đủ sắc màu và kích thước. Đi càng sâu vào trong thì cái nét cổ kính còn sót lại mới dần hiện ra: hồ nước nhỏ bám đầy rêu phong dưới bóng đa cổ thụ, lặng thinh giữa phố chợ vừa họp xong. Tôi cùng hai đứa bạn tìm đến cái xưởng chơi nặn gốm đông khách nhất để thử trải nghiệm cảm giác của “người làm nên gốm”. Giá vé 40 nghìn cho một người chơi thỏa thích và được đem sản phẩm của mình về, cũng khá hợp lý với khách du lịch, dù rằng sau đó bạn tôi bảo tôi nói giọng miền nam nên bị bắt nạt rồi, chơi mà không lấy sản phẩm về chỉ có 10 nghìn thôi, tôi bảo, chắc khác chỗ. Chúng tôi lăn xả vào cái bàn xoay, trố mắt ngạc nhiên trước những động tác vừa mạnh mẽ vừa dứt khoát của anh hướng dẫn viên, cảm thấy nặn gốm thật dễ dàng mà lại ra tạo hình thật đẹp, thật mỹ miều… cho đến khi thật sự chạm tay mình vào. Thảm họa. Thật sự là thảm họa! Tôi không tài nào giữ cho chiếc bình/lọ/bát của mình có hình dáng như ý muốn được. Bạn tôi còn bị chính cái bàn xoay đó… “điều khiển” ngón tay! Nhúng tay vào nước, xoay bàn, thọc ngón tay vào nắm đất sét, và thế là cả quần cả áo tôi dính dầy đất sét như mới đi phụ hồ về. Đứa nào nặn cũng xấu, cuối cùng đều phải nhờ đến sự trợ giúp của anh hướng dẫn viên để tạo hình cho đàng hoàng rồi đi sấy khô và vẽ vời lên đó, như là sản phẩm do chính tay mình làm nên vậy. Thật mệt, nhưng cũng thật vui, quả thật là những trải nghiệm khó quên.
[…]
Chuyến bay bị dời lại khoảng 3 tiếng, nghĩa là tôi sẽ cất cánh váo lúc 0 giờ ngày 10/12, để gọi là ở Hà Nội trọn vẹn ngày cuối cùng.
Trong cái không gian rộng lớn của phòng chờ ở sân bay, người ta có khá nhiều cách để giết thời gian. Trên dãy ghế cùng hàng phía bên kia, vài đứa trẻ người nước ngoài ngồi đọc sách. Bạn tôi, một đứa tìm một góc riêng tư để gọi điện tâm sự với người yêu, đứa thì bận rộn với mớ việc ở công ty, đứa thì lại ôm laptop ra góc tường ngồi để cắm sạc, hòng sửa gấp lỗi code nghiêm trọng trong app của công ty. Tôi thì, ngồi có, nằm có, giờ lại ngồi, tôi chẳng biết làm gì cả, nói đúng hơn là, chẳng thiết làm gì cả. Dường như cái cảm xúc trước khi rời xa một điều gì đó luôn giống nhau một cách lạ kỳ, bất kể là rời xa điều gì, ai, hay nơi nào.
Tôi nhớ khi đến sân bay ở Đà Nẵng để chuẩn bị về Sài Gòn, tôi cứ thấy bâng khuâng từ lúc bước lên taxi, rồi khi đứa bạn đến tiễn tôi ra về, tôi chợt thấy mắt cay cay. Đà Nẵng lúc đó đã mang cho tôi quá nhiều cảm xúc, nên khi phải rời xa nó, tôi lại thấy nhói trong lòng.
Hà Nội thì không mang cho tôi quá nhiều thứ để nghĩ, để tiếc day tiếc dứt như Đà Nẵng, nhưng nó lại là một cái gì đó rất khác biệt. Đúng, khác lắm, khác xa với Sài Gòn mà tôi đã sinh ra và lớn lên. Sống ở Thủ Đô, có những lúc tôi thực sự đã quên đi lối sống mình từng quen thuộc. Tôi tiếp cận, tôi đón nhận, tôi hòa nhập. Tôi hòa nhập vào cuộc sống và văn hóa Hà Nội một cách nhẹ nhàng, không cưỡng cầu. Tôi cho rằng một bát bún giá 40 nghìn là rẻ, trả 25 nghìn hay 30 nghìn cho con số 22 trên xe taxi là đương nhiên, chi xấp xỉ 150 nghìn cho một buổi đi ăn nhóm là vừa tầm và luôn nói với người bán hàng bằng giọng miền bắc, dù chỉ là cái giọng nhại tôi vẫn dùng khi nói chuyện với bà nội, chẳng giống chút nào. Tôi quên mất mình từng có những bữa ăn sáng chỉ 10 ngàn, ăn tối sang chảnh lắm cũng 100 ngàn và vào quán phở thì gọi “Chị ơi, một tô tái nạm!” chứ không phải “Bác ơi, cho cháu bát phở nạm gầu!”. Thực sự tôi đã quên bẵng đi hết khi sống giữa cả một cộng đồng đều nói như nhau và ăn như nhau. Chỉ một lúc nữa thôi thì tôi sẽ rời xa cái cộng đồng đó, sẽ không còn những dịp “Của em bao tiền hở chị?” thay vì “Tính tiền chị ơi!”, bỗng nhiên tôi cảm thấy lòng mình trống trải quá. Nếu bảo tôi chọn giữa Sài Gòn và Hà Nội, hiển nhiên tôi sẽ chọn Sài Gòn, nhưng rời xa Hà Nội sau một thời gian đủ dài để “ngấm”, tự dưng thấy tiếc ngẩn ngơ…
Cảm ơn Hà Nội vì đã đối đãi với tôi tử tế hơn gấp nhiều lần sự mong đợi. Tôi đã không bị dính phốt nào về ăn uống mua sắm.